HỒNG VÂN DIỄN NGÂM THƠ ĐÀM TRUNG PHÁN – PHẦN 2

Xin Quý Vị mở speakers và bấm nút để nghe Hồng Vân diễn ngâm thơ Đàm Trung Phán:

1.Chiêm bao Tỉnh thức

2.Chuyến Bay đêm

3.Cõi mộng

4.Mưa Hè

5.Ngọc Nữ

6.Đức Mẹ Maria

7.Em

8.Đêm Nay

9.Duyên Phận

10.Chiến Địa Flanders

11.Thu Cảm 2000

12.Tỉnh Say, Say Tỉnh

13.Dù Cho Thoát xác, Mãi Còn Yêu Thương

14.Mừng Sinh Nhật 70 của ĐÀm Trung Phán

15.Áo Trắng Học Trò

16.Phong Lan

17.Bài Thơ Không Tên

18.Đoạn Kết

Quý vị có thể tải về ( download ) tại đây :

DamTrungPhan-HongVan

HỒNG VÂN DIỄN NGÂM THƠ ĐÀM TRUNG PHÁN – Phần 1

Xin Quý Vị mở speakers và bấm nút để nghe Hồng Vân diễn ngâm thơ Đàm Trung Phán:

1.Lời Giới Thiệu:

2. Bài Thơ Cho Con Ngày Con 20 tuổi

3. Út Tôi

4. Vu Lan Mộng Ảo

5. Phong Lan và Giai Nhân

6. Nhạc Kinh Tây Tạng

7. Nén Hương Cho Mẹ

8. Mộng Thường

9. Hình Bóng Mẹ Tôi

10. Em Đã Đến

11. Đóa Lan Rừng

12. Cha Con

13. Duyên Tình

14. Bước Trần Ai Đi

Quý vị có thể tải về ( download ) tại đây :

DamTrungPhan-HongVan-Phần 1

SLIDE SHOW TRUYỆN KIỀU VỚI HÌNH ẢNH SAPA,VIỆT NAM.

Một buổi tối mùa đông năm 2024 khi trời đang đổ  đổ tuyết mù mịt ngoài trời tại Toronto, Canada, chúng tôi thấy may mắn làm sao  vì không phải lái xe ngoài đường. Cái  thú vui đó làm cho chúng tôi nghĩ ngay tới xem các hình ảnh đã chụp trong năm 2005 khi chúng tôi thăm viếng Sapa Việt Nam.

 Sau khi đã mải mê xem được một số hình, bỗng đâu người viết nhớ tới giọng ngâm điêu luyện về Truyện Kiều của nghệ sĩ Hồng Vân và Tô Kiều Ngân mà tôi đã có được một bản gốc.

Bèn mở PC ra, tạo dựng một cái slide show với hình ảnh SaPa với giọng ngâm điêu luyện của hai nghệ sĩ Hồng Vân và Tô Kiều Ngân.

Xin mời quý vị bấm vào nút vào YouTube dưới đây. Đặc biệt là Quý Vị có thể bấm nút vào chữ CC ở giòng cuối cùng để vào SUBTITLE rồi đọc tiếng Việt:

ĐTP

SLIDE SHOW TRUYỆN KIỀU VỚI HÌNH ẢNH SAPA, VIỆT NAM

Đàm Trung Phán

Một buổi tối mùa đông năm 2024 khi trời đang đổ  đổ tuyết mù mịt tại Toronto, Canada, chúng tôi thấy may mắn làm sao vì không phải lái xe ngoài đường. Cái  thú vui đó làm cho chúng tôi nghĩ ngay tới xem các hình ảnh đã chụp trong năm 2005 khi chúng tôi thăm viếng Sapa Việt Nam.

 Sau khi đã mải mê xem được một số hình, bỗng đâu người viết nhớ tới giọng ngâm điêu luyện Truyện Kiều của nghệ sĩ Hồng Vân và Tô Kiều Ngân mà tôi đã có được một bản gốc.

Bèn mở PC ra, tạo dựng một cái slide show với hình ảnh Sa Pa với giọng ngâm của hai nghệ sĩ Hồng Vân và Tô Kiều Ngân.

Xin mời quý vị bấm nút vào YouTube dưới đây. Đặc biệt là Quý Vị có thể bấm nút vào chữ CC ở giòng cuối cùng để vào SUBTITLE rồi đọc tiếng Việt:

ĐTP

  ÁNH TRĂNG HUYỀN DIỆU

 

Đào Ngọc Phong

              Ông bóc tờ lịch cuối cùng của năm 2023.  Giao thừa bước vào 2024 đã qua năm phút, ông hồi hộp chờ chuông điện thoại reo.

              Từ năm Canh Thìn 2000 đến nay Giáp Thìn 2024, đã hai mươi bốn năm, mỗi năm ông đều nhận được hai cuộc điện đàm từ Paris vào giao thừa tây lịch và giao thừa âm lịch. Chỉ có hai câu : “Em đây, Vầng Trăng Nhỏ của anh đây, chúc mừng anh năm mới luôn tươi vui” “Cám ơn em,  cũng chúc Vầng Trăng Nhỏ luôn trong sáng trong năm mới”.

              Ông sinh năm Canh Thìn 1940, qua bao nhiêu thác ghềnh mà vượt được sáu mươi năm cuộc đời đến đích Canh Thìn 2000, nhận  được món quà hạnh phúc thứ hai, không bao giờ tưởng là có được.

              Đang miên-man nghĩ-ngợi, thì chuông reo : “Em đây, Vầng Trăng Nhỏ của anh đây, chúc mừng anh năm mới luôn tươi vui;  năm nay em muốn nói dài hơn mọi năm, vì năm nay là Giáp Thìn, sáu mươi năm kể từ Giáp Thìn 1964, năm đẹp nhất của chúng ta, tạ ơn anh”.

              Ông thoáng rùng mình,    nàng nói “đẹp nhất, tạ ơn anh” với giọng trong vắt như của trẻ thơ  mặc dù năm nay nàng dã tám mươi. Ông chầm-chậm hít hơi thở thật sâu, kỷ niệm đêm gặp-gỡ thiêng-liêng lúc ông hai mươi bốn tuổi và nàng hai mươi vẫn là món quà hạnh phúc  hiếm quí nàng ban cho ông như một cái phao cứu hộ giúp ông vượt qua bao nhiêu đau khổ. “Cám ơn em, cũng chúc Vầng Trăng Nhỏ luôn trong sáng trong năm mới. Tạ ơn em, đã ban cho anh hai món quà hạnh phúc thiêng-liêng, cùng vào năm Thìn 1964, và năm Thìn 2000. Mừng là còn nói chuyện với nhạu ở tuổi bát tuần”

              Im lặng, như mọi năm, chờ đến giao thừa âm lịch. Ông pha ly cà -phê đậm, đêm nay có lẽ ông thức trắng, quay lại cả khúc phim đời mình.

                                                            *                      *

              Ông dọn về căn hộ trong khu nhà già này đã được mười hai năm rồi. Một mình ông thảnh- thơi yên tĩnh trong một vùng không gian thanh lịch, lặng lẽ, nhưng không xa phố chợ Little Sài Gòn bao nhiêu, chỉ năm phút xe là có phở,  bún bò, cháo lòng, hủ tiếu…Cũng lạ, mười hai năm

trước, 2012 là năm Nhâm Thìn; mình sinh năm Thìn mà cứ vào năm Rồng là đời mình có một sự việc để lại kỷ niệm đẹp.

              Sau Tết Nhâm Thìn 2012, ông quyết định về hưu năm bảy mươi hai tuổi, đóng cửa văn phòng địa ốc, bán căn nhà lầu ba tầng gần biển, mua căn hộ phòng đơn trong khu nhà già này. Đời ông vốn cô quạnh từ nhỏ, bây giờ sống một mình lúc tuổi già, ông cũng chẳng thây buồn.

              Ông nhớ suốt tuổi ấu thơ từ 1940 đến 1954 tại Hà Nội, rồi tuổi thiếu niên 1954-1961 tại Sài Gòn, ông sống trong một gia đinh thựơng lưu, giàu sang, như một gia đình mà chẳng phải gia đình.   

              Ông chủ gia đình thượng lưu đó đậu tú tài Pháp, rôi cử nhân luật, trước năm 1946 làm trong tòa thống sứ Pháp Bắc Kỳ, danh giá uy quyền lắm; sau năm 1948 lại làm ở bộ Tư Pháp trong chính phủ Quốc Gia Việt Nam. Bà chủ là con một thương gia giàu có,  bậc nữ lưu thành thị, sanh được hai con trai đều cho đi học trường Tây; anh trai lớn tên Xuân sinh năm 1937, anh nhỏ tênThu, sinh năm 1938. Không biết nguyên nhân bệnh tật gì mà sau khi sinh  hai con thì bà  không làm việc chăn gối được với chồng nữa.

              Khu biệt thự rộng lớn có tòa nhà gạch kiểu Tây là chỗ ở của gia đình ông bà; còn phía xa bên kia cái sân là dãy nhà gỗ dành cho thím bếp, cô sen , anh tài xế, mỗi người một căn phòng riêng.

              Cô sen là mẹ của ông; ông đã qua tuổi thơ trong căn phòng gỗ. Mặc dù chỉ kém hai anh trai một hai tuổi, coi như cùng trang lứa, nhưng không bao giờ ông được phép chơi với các anh, không bao giờ được tham dự những tiệc tùng, giỗ tết ở nhà trên. Cũng may, ông bà chủ còn cho phép ông đi học trường Việt.

              Cô sen làm những việc vặt ở nhà trên, dọn phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách, phòng tắm, giặt-giũ lật-đật cũng hết ngày.  Khi ông mười tuổi, bà chủ giao cho việc, đi học về phải vảo phòng sách của ông chủ dọn dẹp giấy tờ, lau bụi tủ sách. Ông chủ có nhiều sách chữ Pháp, cũng như chữ Việt mà ông mê man đọc; đó là những tiểu thuyết Tàu dịch ra tiếng Việt, những tiểu thuyết, những tập thơ của nhiều tác giả Việt. Trong phòng đọc sách, ông như sống trong một thế giới riêng, mải mê đọc cho đến khi mẹ gọi xuống ăn cơm.

              Đầu  năm 1954, ông đủ lớn để nhận định việc đời chung quanh. Có một cái gì bẩt thường sắp xảy ra, khi ông đọc báo do ông chủ mang về. Ông thấy bà chủ mướn người tới đóng gói, quần áo, sách vở.

              Một buổi trưa đi học về, thím bếp bỗng ôm lấy ông :  “Mẹ cháu về quê rồi, nói vài bữa lên lại, vì bà chủ gởi về làm việc gì đó cho bà”. Ông vẫn nhớ lúc nghe tin mẹ, tim ông thót lại, linh cảm một biến cố lớn cho đời mình sắp xảy ra. Quả nhiên lúc nửa khuya, có lệnh bà chủ tất cả ra khỏi nhà. Bên ngoài cổng đậu sẵn một chiếc xe lớn. Thím bếp dắt ông lên xe; đồ đạc gói ghém trong vài va li. Ông hầu như hoàn toàn thụ động. Xe chạy trong đêm vài tiếng đồng hồ; hóa ra xe chạy vào phi trường Gia Lâm . Ông thảng-thốt hỏi thầm thím bếp :  “Mẹ cháu đâu?”Thím bếp im lặng, ôm ghì ông, ông thấy nước mắt thím rỏ xuống đầm-đìa vai ông.

              Về sau này do thím bếp kể lại, ông mới biết bà chủ dàn dựng một màn kịch thật thâm độc.

              Vào tới Sài Gòn, gia đình đã có sẵn một biệt thự lớn không kém gì ở Hà Nôi. It lâu sau ông mới biết, ông bà chủ có thế lực lớn. Bà chủ là con nhà thương gia, rất nhạy bén, mua sẵn nhà trong Sài Gòn, khi vào tới là có chỗ ở ngay. Cũng một tòa nhà kiểu Tây cho gia đình ông bà chủ; chị bếp và anh tài xế và ông ở mép vườn; chỉ thiếu có mẹ của ông. Hai anh trai vẫn học trường Tây, ông được đi học ở một trường tư thục chương trình Việt.

                         Mất mẹ, ông cảm thấy mình giống một con chó hoang, lủi thủi đi, về, ăn, uống; ông vùi đầu vào cái kho truyện trong tủ sách của ông chủ. Đã học lớp đệ ngũ  rồi, lớn rồi, hằng đêm tự hỏi mình là ai trong cái nhà này, tại sao người ta đuổi mẹ đi mà giữ lại đứa con; ông đã nảy ra ý định bỏ đi, tự mưu sinh, không thể sống mãi ở đây như một bóng ma,

                          Khoảng một năm sau, khi có đợt di cư từ miền Bắc, bỗng có một người trong họ của bà chủ dẫn đến một bé gái khoảng mười tuổi. Thím bếp cho ông biết nó là con  gái của em ruột bà chủ, mồ côi, bà chủ nhận nuôi coi như con đẻ, cho đi học trường Tây như hai anh trai.  Bà chủ gọi nó là Tiểu Nguyệt, chắc là trong họ có bà lớn nào tên Nguyệt. Lúc mới đến trông nó lem luốc, mà lạ thay,  vài tháng sau nó trông thật mượt-mà,  xinh xẵn. Bà chủ chả thèm giới thiệu nó cho ông, vì bà coi ông như thứ người ăn người làm, còn Tiểu Nguyệt thuộc giai cấp trên mà.

                        Một buổi chiều, đi học về, ông đang ngồi đọc một cuốn tiểu thuyết Pháp trong  phòng sách, thì Tiểu Nguyệt bước vào, ngạc nhiên hỏi :  “Anh đọc được chữ Pháp à, giỏi thế?”

“Vì trong chương trình Việt có dạy hai sinh ngữ Pháp Anh, nên tôi thích cả hai, cứ đọc một mình mò mẫm, tra tự điển mỏi tay, nhưng tôi chỉ đọc mà không nói được tiếng Pháp cũng như tiếng Anh vì trường đâu có dạy nói”.  Ông đang học đệ tam trung học đệ nhị cấp; Tiểu Nguyệt kém ông bốn tuổi, đang học lớp đệ lục trường Marie Curie, ra dáng một tiểu thư con nhà giàu.

                        Cô nói hồn nhiên : “Mỗi chiều em sẽ đến phòng sách nói chuyện với anh bằng tiếng Pháp nhá”. “Nhưng bà chủ biết được thì sao?”. Cô tròn mắt ngạc nhiên :  “Thì sao? Thì em nói với mẹ là có người để luyện  tập đàm thoại “.

                        Từ ngày đó, ý định bỏ nhà đi dần tan biến; ông như người chết đuối bám được cái phao cứu hộ, ông tự hứa cố gắng thi xong tú tài hãy tính. Những đêm thao thức ông lấy giấy viết theo cảm xúc những câu chuyện đời, buổi chiều khi đi học về, ông ghé mấy tòa báo gởi đăng. Ông bịa ra những bút hiệu khác nhau với những tờ báo khác nhau. Bỗng có lần, một nhân viên của một tòa soạn gọi ông vào, nói truyện ngắn nhi đồng của cậu tuần rồi hay lắm, tặng cậu vài chục đi ăn kem nhá. Ông mừng rỡ, cầm tiền đạp xe đến cổng trường Marie Curie đón Tiểu Nguyệt, mời cô đi ăn kem.

                        Tiểu Nguyệt nói : “Anh giỏi quá, tự kiếm tiền được rồi” “Chó ngáp phải ruồi, lâu lâu mới được vài chục, nhưng cũng vui”. Sau đó cứ vài bữa ông lại đón cô đi ăn uống vặt, hôm thì bò khô đu đủ, hôm thì đậu đỏ bánh lọc, hôm thì bánh tôm…Dần dần hai người gọi nhau anh em

lúc nào  không hay.

                        Có lần Tiểu Nguyệt đưa cho ông xem một bài luận sắp nộp cho cô giáo. Ông xem rồi “phê” ở đầu trang :  “Vầng Trăng Nhỏ có nhiều ý lạ, nhưng coi chừng lạc đề”. Tuần sau, cô khoe nhờ anh phê nên em sửa lại, được điểm cao. Từ đó, mỗi khi cô nhắn tin gì với ông, cô đều ký tên Vầng Trăng Nhỏ.

                        Khi đậu xong hai phần tú tài, ông thầm cảm ơn cô đã giúp ông vượt qua nỗi cô quạnh mà học hành đỗ đạt. Ông đã sắp đặt mọi sự rồi, quyết định bỏ nhà, làm đơn vào trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức, không cho ai biết, ngay cả thím bếp. Hai anh trai đã đi du học bên Pháp.

                        Ông viết một bức thư cám ơn ông bà chủ, thím bếp, anh tài xế, và Tiểu Nguyệt đã nuôi cho ông khôn lớn đỗ đạt. Ông lặng lẽ ra đi. Quân trường giúp ông quên hết mọi phiền muộn.

                        Ông không cần suy nghĩ đi lính để làm gì; ông không thuộc giai cấp thống trị, cũng chẳng thuộc giai cấp bị trị, chẳng là thành phần bần cố nông, chẳng là trí thức tiểu tư sản; chẳng có nhãn hiệu nào đúng để dán lên con người ông; ông chỉ muốn quên hết mọi dĩ vãng, cùng lắm một phát súng trên chiến truòng là xong. Hiện giờ ông không phải ăn cơm của bà chủ, thế là trong lòng thấy nhẹ nhàng. Còn nói đi lính để chiến đấu cho một lý tưởng nào đó thì lẽ ra hai anh trai phải xung phong chứ, sao lại trốn đi ngoại quốc; vì ông chủ nằm trong tầng lớp lãnh đạo mà, phải làm gương chứ?

                        Những ngày khóa sinh được phép tiếp thân nhân, ông nằm trong trại hay lên thư viện, xuống canteen làm vài chai bia. Ông có thân nhân nào mà thăm với hỏi.

                        Bỗng một lần, có loa gọi ông ra gặp thân nhân, ông choáng người. Ông hồi hộp nghĩ hay là Tiểu Nguyệt ? Đúng rồi, từ lâu ông tự dối mình, ông mong nàng đến, năm nay nàng đã học đệ tam, tuổi thiếu nữ mười sáu trăng tròn đẹp như mơ. Ông là dòng suối khô cạn, nàng như nguồn nước trên núi cao đổ xuống an ủi đời ông.

                        Nhưng người đến thăm ông lại là thím bếp. Thím ôm ông khóc òa; thím nói thím giấu bà chủ, chỉ có ông chủ biết, gởi cho cháu gói này; hôm nay là dịp duy nhất thím nói hết sự thực cho cháu.  Thím nói cháu hãy mở gói quà của ông chủ ra trước. Một bức thư ngắn viết ngay ngắn trên một vuông giấy nhỏ, chỉ có vài giòng : “Bố xin con tha thứ cho bố vì đã vô trách nhiệm sanh con ra mà không dưỡng dục. Xin con nhận món quà nhỏ này”. Đó là một lượng vàng. Ông thẫn thờ, gục đầu trên gối. Hóa ra những điều ông từng thao thức hằng đêm tìm câu trả lòi cho bao nhiêu câu hỏi, bây giờ đã rõ. 

                        Thím bếp kể, khi bà chủ sinh con trai thứ hai, bà cảm thấy trong người suy yếu, về quê mướn một cô gái  nghèo làm cô sen chăm sóc hai đứa con. Cô gái quê mười tám tuổi, lúc mới lên thành, trông lam-lũ, vậy mà mấy tháng sau tự nhiên trổ mã, đẹp mẩy, khỏe mạnh không như các cô gái thành thị. Bà chủ càng ngày càng gầy đi, hình như không còn làm việc chăn gối được, cuối cùng bà phải vào bệnh viện nằm mấy tháng mới bình phục. Bà về nhà được vài tuần thì phát hiện việc động trời, cô sen nôn mừa, triệu chứng có thai. Thím bếp đã biết trước sắp có sóng gió nổi lên. Nhưng bà chủ đầy bản lãnh, âm thầm dặn thím cách ly cô sen, kín đáo săn sóc cô, dò hỏi ngọn ngành. Nếu có ai biết, gạn hỏi thì nói chồng cô ấy ở quê đã bỏ cô. Bà chủ đã biêt ai là tác giả cái thai trong bụng cô, bà muốn giữ danh giá gia đình không làm ầm lên. Chính bà thú thực với thím bếp là do lỗi của bà không đáp ứng được nhu cầu của ông chủ. Tuy vậy trong lòng, bà hận lắm, bà nghĩ chính cô sen đã quyến rũ ông trong thời gian bà nằm bệnh viện.  

                        Đến ngày sinh nở của cô sen, bà chạy tiền để đứa con mang họ của mẹ, không dính dáng gì đến họ của  ông chủ. Hàng xóm, bà con nội ngoại chỉ xì-xào là cô sen có chồng ở quê đã bỏ cô , may được ông bà chủ cưu mang. Vì thế, đứa con sinh ra mặc dù mang huyêt thống của ông chủ, nhưng bị coi là hạng người ở.

                        Khi bà sắp xếp kế hoạch di cư vào Nam năm 1953, bà đã tính sẵn bỏ cô sen lại, chỉ đem đứa con theo như một cách trả thù người con gái xinh đẹp đã quyến rũ chồng bà.

                        Trong bao nhiêu năm bà không hề trách cứ đay nghiến ông chủ, nên ông cũng đóng kịch không dám tỏ ra săn sóc đứa bé.  Còn hai người anh trai, thì  chẳng bao giờ thèm chơi với hạng đày tớ; nhưng thím bếp nói bà chủ vẫn còn chút lương tâm mà cho đứa bé đi học.

                        Nghe xong chuyện, ông cầm lượng vàng đặt trong tay thím :  “ Xin thím chuyển lời cảm ơn bố cháu, coi như cháu đã nhận quà, cháu xin tặng lại thím để lo lúc tuổi già; cháu thừa sức kiếm được gấp trăm lần . Thím đừng nói việc này cho bất cứ ai nhá”.

                                                            *

                                                *                      *

                        Trong chín tháng quân trường, ông góp nhiều bài viết cho đặc san của trường, được trung úy chủ bút khen ngợi; khi tốt nghiệp ông được chia vào ngành tâm lý chiến, có lẽ do trung úy đề bạt; ông thầm cảm ơn phòng sách của bố đã giúp ông đọc bao nhiêu truyện làm căn bản cho sự viêt lách sau này. Với lon chuẩn úy, ông lên đường đi nhận công tác tại môt quân trường huấn luyện tân binh.

                        Phòng tâm lý chiến của quân trường có một ban văn nghệ hàng tuần đi ca hát cho các đại đội khóa sinh, có hai hạ sỹ quan chơi guitar, bốn hay năm cô ca viên. Giữa chốn đao binh khô khốc, sự xuất hiện của các cô được các khóa sinh tân binh gọi là những bông hồng  mát mẻ.

Ông được đại úy trưởng phòng cho chỉ huy ban văn nghệ, có nhiêm vụ chọn bài hát phù hợp từng  

mùa chiến dịch, đồng thời phụ trách làm đặc san cho trường. Gân gũi tân binh, ông thấy thương xót vô cùng, phần lớn nhà nghèo, it học; ông nghĩ nếu mình không có bằng tú tài thì chắc cũng rơi vào lớp binh nhì như họ; ông lại thầm cảm ơn bà chủ, mặc dù có tội phân ly mẹ con ông, nhưng cũng còn chút lương tâm cho ông đi học.

                        Hàng tháng có những tiểu đoàn tác chiến luân phiên về dưỡng quân; ban văn nghệ của ông phải đi sinh hoạt nhiều hơn; ông có dịp tiếp xúc với nhiều vị tiểu đoàn trưởng cùng những chiến binh mỏi mệt trong chiến trận. Ông có nhiều đề tài để viết. Có một lần, hêt sức bât ngờ, ông gặp lại bạn học cũ hồi trung học bây giờ là tiểu đoàn trưởng ; hai người mừng rỡ; nhìn nét phong sương của bạn, ông không nào ngờ ngày trước anh ta là môt thư sinh ẻo lả,  hiền như bụt; ông ôm bạn  chảy nước mắt, sao chiến tranh lại tàn khốc đến thế, lẽ ra bạn đã ra trường làm giáo sư sống đời bình lặng. Ông cay đắng nghĩ tới hai anh trai của ông đang sống sung sướng bên trời Tây; sao đời nhiều bất công thế nhỉ ? Người đã sướng lại sướng nhiều hơn; kẻ đã khổ lại gánh thêm khổ.

                        Cùng ngồi uống bia trong canteen, anh bạn nói :  “ Khi nào ông chán việc văn phòng thì ra tác chiến với tôi; chiến binh của tôi cần được an ủi từng ngày nơi mặt trận, chứ không phải lâu lâu về dưỡng quân nghe vài bài hát vô vị”.

                        Câu nói của anh bạn ám ảnh ông mãi nhiều năm sau. Ông nhớ tiểu thuyết Tàu HÁN SỞ TRANH HÙNG kể cuộc chiến tranh giữa Hán Vương Lưu Bang và Sở Bá Vương Hạng Võ.

Hạng Võ oai phong lẫm-liệt, binh hùng tướng mạnh mà thua tiếng sáo êm đềm Trương Lương.

Suy nghĩ so sánh, ông dự cảm dân miền Nam đang bị ru trong tiếng sáo Trương Lương.

                        Vào dịp Tết Giáp Thìn  1964 , ông đã ở trong quân ngũ được bốn năm, đã đeo lon trung úy. Đúng xế chiều mùng 1 Tết, ông ngồi trực trong văn phòng, bỗng chuông điện thoại reo từ cổng gác ngoài trại, báo trung úy có người thân tên Tiểu Nguyệt muốn gặp. Ông như rớt từ mặt trăng xuống, trong một giây tim ông như ngừng đập. Ông đứng dậy cố nén luồng cảm xúc dường như làm da mặt ông tái đi. Ông từ từ đi ra cổng. Ông đã xa nàng gần năm năm rồi; năm nay nàng hai mươi, nhanh quá. Nàng ngồi chờ trên ghế phòng khách, áo dài trắng, gương mặt như thiên nữ ngóng chờ.

                        Ông cố tự chế, không lộ vẻ bất bình thường, khẽ reo lên : “Ô Vầng Trăng Nhỏ”

Nàng giơ bàn tay thon nhỏ che miệng cười. Nàng nói : “ Sau khi thi xong tú tài em mới rảnh rang đi tìm anh, dò hỏi nhiều nơi mới biết anh đóng quân tại đây; em mời anh vào tỉnh ăn Tết với em”.

Ông thấy mình như một chú học trò nhỏ riu-ríu vâng lời cô giáo; trở vào nhờ một anh bạn trực ban, gọi điện thoại xin phép đại úy trưởng phòng. Mấy Tết rồi, đại úy không thấy ông có thân nhân nào đến thăm, cũng chắng có nhà mà về, toàn là tình nguyện trực thay cho bạn hữu, ông thương trung úy lắm, cho mượn xe jeep chở “đào” đi ăn Tết.

                        Hóa ra nàng ở trong một khách sạn sang trọng, hai người bước vào phòng ăn, chọn bàn. Ngồi đối diện nàng, ông vẫn tưởng như mình đang ngủ mơ. Nàng nói :  “ Trông anh rắn-rỏi hơn xưa, anh có thấy em khác nhiều không?”  “Em còn đẹp hơn tiên”.” Anh lên trời khi nào mà gặp tiên?

                        Vài câu mở đầu câu chuyện làm ấm dần tình lạnh mấy năm; nàng kể chuyện nhà, cho biết anh Xuân đã làm giáo sư văn chương tại một trường trung học, anh Thu làm kỹ sư cơ khí trong một hãng xe hơi, mẹ càng ngày càng yếu có dấu hiệu mất trí nhớ, bố vẫn khỏe, tráng kiện lắm, còn thím bếp xin về quê dưỡng lão. Ông băn khoăn tự hỏi nàng có biết chuyện về mình không? Trông nàng vẫn hồn nhiên như chẳng để ý đến sự đời ô trọc.

                        Ăn chiều xong thi trời xẩm tối, ông và nàng sánh vai đi trong công viên , như chẳng muốn rời xa nhau. Đến một bụi cây khuất, bỗng nàng dừng lại, đột nhiên ôm vai ông, thì thầm bên tai ông  : “Tối mai em lên máy bay qua Pháp rồi, em muốn anh ở lại với em đêm nay”. Da thịt và hơi thở nàng thơm ngây ngất; bản năng nam nữ bùng lên khiến ông không kiềm chế được, ôm siết nàng . Bỗng ánh trăng trong vắt chiếu vào mắt ông, ông bừng tỉnh, :  “Không, Vầng Trăng Nhỏ của anh , em như giải lụa trắng trong, anh không thể…không thể…”

                        Nàng cũng như tỉnh giấc, khẽ nói : “Tạ ơn anh”. “ Tạ ơn em đã ban cho anh hạnh phúc chưa bao giờ anh có trên đời”

                        Lần chia tay đó ông nghĩ là vĩnh viễn rồi; đêm thao thức trong doanh trại, nhớ lại phút giây mê đắm trong công viên khách sạn làm ông rùng mình, suýt nữa hai đứa đã sa vào tội lỗi nhơ- nhuốc.

                                                                        *

                                                            *                      *

                        Sau biến cố Mậu Thân 1968, ông thăng chức đại úy, làm trưởng phòng thay cho sếp cũ lên thiếu tá chỉ huy phó quân trường. Một hôm, bỗng có điện thoại reo từ bộ chỉ huy trung đoàn X đóng ở Quảng Trị, nhận ngay ra giọng anh bạn cũ, Anh ta nói anh đã thăng trung tá làm chỉ huy phó trung đoàn, muốn mời ông về làm trưởng phòng tâm lý chiến trung đoàn. Ông đã dự định từ lâu muốn ra thực tế tác chiến, sống gần các chiến binh đáng thương.  Ông luân phiên theo các tiểu đoàn hành quân, nhờ vậy trải qua nhiều kinh nghiệm quý báu giúp ông hoàn thành thành công cuốn đặc san trung đoàn đươc anh bạn giao phó làm chủ bút. Cuốn đặc san gồm nhiều bài vở viết theo thực tế từ nhiều người viết, từ anh binh nhì, bác thượng sĩ già, cho đến cấp sĩ quan.

                        Hai bạn rất tương đắc, hợp tính nhau. Anh bạn cũng là loại độc thân kinh niên, anh nói không dám lấy vợ vì sợ chết trận bất ngờ làm khổ người phụ nữ. Ông nghĩ nếu cái đêm mùng một Giáp Thìn 1964 mà xảy ra chuyện thì nàng đã là vợ ta, đời nàng khổ biết mấy. Bây giờ hẳn là nàng đã tốt nghiệp đại học, đã lấy chồng giàu sang phú quí, còn ta, không tiền, không bạc, không danh, không nhà cửa; không lẽ lại kéo nàng tiên từ thiên đình xuống sống lây-lất trong trại gia binh. Ta cám ơn ánh trăng công viên đêm đó đã giúp ta bừng tỉnh.

                                                                        *

                                                            *                      *

                        Chả biết mạng ta là gì mà qua bao nhiêu rừng  bom  mưa  đạn đều thoát chết; thật tình trong đáy sâu tâm hồn, hình như ta có khuynh hướng chán chường cõi người, chẳng sợ chết, nhất là từ ngày thím bếp vào quân trường thăm ta kể chuyện, rồi người yêu đi xa như cánh sao băng biến vào đêm đen vô tận.   Mùa hè đỏ lửa 72 qua đi, chiến sự 75 qua đi, ta cùng anh bạn chạy qua biên giới Lào tìm đường vào Thái Lan, rồi qua Mỹ năm 1976. Được tin bố ta đã mang bà chủ bệnh hoạn qua Pháp trước khi Sài Gòn thất thủ. Số ông bố thật sướng, đi đâu là có nhà cửa sang trọng sẵn sàng. Ta chán chường  cái trò đời đạo đức giả; ông là cấp lãnh đạo mà bỏ chạy trước tiên, 54 cũng như 75,  trong khi ta và những chiến binh của ta còn đang lặn lội bìa rừng khe núi.

                       Anh bạn  vốn giỏi toán, học lên thành kỹ sư, tìm được việc làm ổn định; còn ta với cái vốn văn chương vô tích sự chẳng tìm được việc gì ra hồn. Có lúc xin được chân cầm bảng
Stop”  trong trường học, ngăn xe cộ cho học sinh qua đường; có lúc đi bỏ báo từ ba giờ sáng…Được ba bốn năm ta xin được chân cắt cỏ của môt công ty Mỹ Landscaping chuyên săn sóc vườn cây các nhà giàu trên đồi.

                        Một buổi sáng ta đang tỉa cây trong vườn hoa rộng lớn của một tỷ phú làm chủ mấy trung tâm thương mại. Bỗng thấy ông chủ đi cùng một khách trông bệ vệ sang cả lắm, bước vào vườn. Ta mặc quần áo công nhân bám đầy bụi , hai ông mặc sơ mi cà- vạt, giày bóng láng. Ta ngạc nhiên khi thấy hai ông nói chuyện với nhau bằng tiêng Pháp;  lắng nghe, hóa ra ông khách từ Paris qua, hẳn là hùn vốn làm ăn cùng ông chủ,  sang Mỹ bàn bạc chuyện mở rộng kinh doanh. Chắc hẳn ông chủ cũng là người Mỹ gốc Pháp. Họ đi ngang chỗ ta, ta bỗng vọt ra câu chào tiếng Pháp và khen ngợi vườn hoa của ông chủ sao hao hao giống vườn Lục-Xâm-Bảo.

                        Hai ông tỏ ra vô cùng ngạc nhiên, dừng lại hỏi han bằng tiếng Pháp. Ta cám ơn Tiểu Nguyệt đã luyện cho ta đàm thoại hàng ngày nên bây giờ ta lưu loát nói chuyện với hai ông rất tự nhiên. Ông khách tò mò muốn biết gia thế của ta; khi biết bố ta xưa làm tòa thống sứ Bắc Kỳ, một anh trai làm giáo sư văn chương Pháp, một anh làm kỹ sư hãng Renault, cô em cũng làm giáo sư bên Pháp thì ông tỏ ra vui mừng. Hai ông mời ta vào phòng khách nói chuyện. Cám ơn phòng sách

của bố đã giúp ta có chút kiến thức về văn hóa, văn học Pháp, nên hôm đó ta đã chinh phục được hai đại gia. Chó ngáp phải ruồi. Sau một giờ nói chuyện, lại biết thêm ta từng là cựu quân nhân, ông khách đề nghị ta làm việc cho ông với tư cách đại diện thương mại của ông tại Mỹ, lương bổng cao.

                        Đời ta lên hương từ đó; hai chục năm làm việc với hai ông, ta học hỏi nhiều kinh nghiệm  làm ăn trong xứ Mỹ, tự mình mở văn phòng địa ốc giao dịch cấp liên bang. Ta đã mua căn nhà ba tầng gần biển làm nơi tiếp khách bốn phương. Nhớ xưa kia trong quân trường Thủ Đức, ta đã nói với thím bếp, cháu biếu thím lượng vàng này, vì cháu sẽ kiếm gấp trăm lần.

                                                                        *

                                                            *                      *

                        Năm Canh Thìn 2000, kỷ niệm sáu mươi năm sống sót trên đời, ông nhận được hai điều vui.

                        Một tuần trước giao thừa, ông nhận một cú phone từ Pháp. Vừa nghe giọng, ông đã reo lên : “Ô, có phải là Vầng Trăng Nhỏ không?”. Làm sao ông quên được giọng của nàng? Từ 1964 đến nay đã ba mươi sáu năm rồi, nàng đã năm mươi sáu tuổi, ông không dám tỏ ra vồn-vã quá, e rằng có chồng nàng bên cạnh. Nhưng giọng nàng vẫn hồn nhiên tưởng như còn độ thanh xuân : “Đúng là anh rồi, mừng quá, mùng một Têt Canh Thìn em sẽ qua thăm anh”.

                        Lạ thật, đời ông cứ như trong cơn mơ, bao nhiêu lần như từ mặt trăng rớt xuống. Ba mươi sáu năm trước, nàng bất ngờ đến quân trường thăm ta vào mùng một Tết; năm nay nàng lại đến Mỹ mùng một Tết. Ông bồi hồi nhớ cái đêm trong công viên khách sạn; lần này thì sao đây? Nàng sẽ đến một mình hay với chồng con nàng? Dù sao, biết tin nàng, còn hơn là “biệt vô âm tín”.

                        Thà là nàng bất ngờ đến, còn hơn hẹn trước khiến ông mất ngủ cả tuần. Đêm giao thừa, ông tham dự một buổi “countdown” với một tổ chức cộng đồng người Việt thật là cảm động.

Nguòi Việt mình khôn quá, một năm đón giao thừa đến hai lần, tây lịch và âm lịch. Nhạc giao thừa vừa bằng tiếng Mỹ vừa bằng tiếng Việt, đúng là Mỹ Việt đề huề.

                        Đồng ca đón giao thừa vừa dứt, điện thoại của ông reo, giọng Tiểu Nguyệt vang lên : “Chúc mừng anh năm mới, em vừa ra khỏi phi trường, đang lấy taxi về khách sạn, mười giờ sáng mai sẽ gặp anh tại văn phòng địa ốc”.

                        Đó là việc hai mươi bốn năm trước, ông nhớ lại, nàng vẫn còn thanh tân không lập gia đình, sinh sống bằng nghề dạy học, săn sóc mẹ lúc tỉnh lúc mê. Nàng kể, mẹ hay gọi anh là thằng bé, có lúc nói như mê sảng : “Khi nào con gặp thằng bé, nói mẹ có lỗi với nó, với mẹ nó”.

                        Hỏi về anh lớn, nàng nói :  “Em chán cái ông gàn dở đó, cái gì cũng Tây là nhất,

sợ và ghét cộng sản nhưng lại làm dáng thiên tả tiến bộ, chê Việt Nam chẳng có tác phẩm nào có tầm vóc thế giới, được mỗi cái truyện Kiều mà cứ khoe,đọc chỉ thấy tên Tàu có thấy gì Việt đâu “.

Em cãi lại : “ Thế em đố anh dịch ra tiếng Pháp sao cho hay, cho hợp với ý tác giả : Sè-sè nấm đất bên đường, dàu-dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh’. Tàu làm gì có chữ sè-sè, dàu-dàu”.

                        Ông dè-dặt nói : “Em đẹp, sang, trí thức vậy, thiếu gì chàng ao ước, sao không lập gia đình?” . Thoáng một giây, ông thấy mắt nàng nhìn ông như hờn giận, nhưng nàng cười dòn :

Nhớ anh hoài làm sao lấy chồng?”.

                        Khi nàng về lại Paris, ông nghĩ hai đứa không thành vợ chồng lại là một cái hay; trong lòng ông luôn kính ngưỡng nàng như một thiên nữ trong trắng mà không dám làm ô uế. Cứ yêu nhau như vậy là hạnh phúc rồi; buộc vào hôn nhân, có khi hạnh phúc vỡ tan.

                        Nửa năm sau, lại một sự cố bât ngờ xảy đến. Một người khách khỏang bốn mươi, ăn mặc chải-chuốt đến nói với cô thư ký văn phòng xin gặp riêng ông chủ. Ông mời vào phòng riêng. Anh ta nói : “Xin lỗi ông giám đốc, xin đường đột hỏi ông có phải xưa kia ông đã từng ở Hà Nội, số nhà như vầy, rồi ở Sài Gòn số nhà như vầy”.   Ông kinh ngạc nhìn người khách, thầm nghĩ hay tay này là công an trong nước ra điều tra lý lịch ông, vi ông từng là quân nhân chế độ cũ trốn học tập cải tạo.

                        Ông đang phân vân chưa biết trả lời thế nào, thì người khách chắp tay vội vã nói   “ Xin lỗi đã làm ông nghi ngại, em là con của bà Trần thị N.. từng làm cô sen trong nhà ông bà phán ở Hà Nội từ 1939 đến 1954; mẹ em gởi em qua đây để tìm  gặp anh lớn của em tên là Trần văn T.  Công ty địa ốc của anh nổi tiếng nên mẹ em mới biết”.

                        -Thế ra bà N. đã lấy chồng sau 1954

                        -Dạ đúng thế, năm 1956 lấy một trung úy, đến 1960 sinh ra em, năm 1975 ông lên đến chức đại tá ngành công binh; ông giao dịch với nhiều công ty địa ốc nước ngoài, nhờ vậy mới tìm ra anh. Xin anh đừng nghi ngại, việc này không dính dáng gì đến công an.Em tên Thanh

hiện đang làm trong ngành xuất bản phát hành sách.

                        Ông nhẩm tính trong đầu, nói : “ Vậy là bà năm nay đã gần tám chục rồi”

                        -Dạ, chính xác là bảy mươi tám ạ

                        Ông mừng là mẹ còn sống sau chiến tranh, bây giờ lại có danh phận trong xã hội mới, ở vào tầng lớp thống trị rồi, quả là một cuộc đổi đời.

                        –Mẹ nói nếu gặp anh con thì mời anh về gặp mẹ vì bà già rồi không biêt chết lúc nào.

                        Ông nghĩ làm sao ta về được, nguy hiểm đến thân mạng, lý lịch của ta đã vào hồ sơ đen, làm trong ngành tâm lý chiến, lại trốn đi nước ngoài. Ta đã quen nếp sống tự do, không dại gì tự chui vào rọ.  Vả lại xưa kia ta đã ở trong tầng lớp dưới, bây giờ ta về cũng lại bị xem như tầng lóp nhân dân bị trị thôi.

                       Ông lắc đầu nói : “Anh thương nhớ mẹ, nhưng anh không thể về được, nhờ chú nói lại anh mừng là mẹ bây giờ đã hết đau khổ”.

                                                                        *

                                                            *                      *

                           Hai tách cà phê đậm làm ông thức đến bốn giờ sáng, nhưng không thấy buồn ngủ. Ông muốn nhẩm lại lời Tiểu Nguyệt chúc Tết vừa qua. Ông mong ước trong những năm cuối đời ông được hưởng một hạnh phúc lớn, được sống bên nàng.

                           Cái tam giác bi kịch của gia đình ông đã tan biến rồi, sau khi ba nhân vật lần lượt qua đời;  mẹ ông 82 tuổi, bố ông 85 tuổi, bà chủ 95 tuổi. Bà chủ thọ nhất, nhưng theo lời kể của Tiểu Nguyệt thì bà qua những năm cuối đời thật vật-vã đau đớn vì bệnh tật, nửa sống nửa chết

lúc tỉnh lúc mê; khi bà hấp hối, mê sảng nói thều -thào : “Tiểu Nguyệt, khi nào gặp thằng bé nói mẹ có lỗi với nó, với mẹ nó”. Ông mơ hồ thấy cái tam giác bi kịch trong gia đình ông là một phiên bản thu nhỏ của cả một xã hội lớn.

                        Sau khi mẹ chết, Tiểu Nguyệt về hưu,  năng viết thư cho ông; mỗi lá thư của nàng là một bảo vật đối với ông; ông cho mỗi cái vào một trang album; gần mười năm có đến ba cuốn.

                         Trong lá thư tháng trước, nàng báo đang sắp xếp chuyện bán nhà để qua Mỹ đoàn tụ với ông; nàng viết “chúng mình đã chờ nhau  quá lâu”.

                        Ông nhớ lại lời nàng chúc giao thừa tây lịch vửa qua, nàng muốn kỷ niệm sáu mươi năm Giáp Thìn 1964-2024 tại Mỹ. Ông mong thời gian bay nhanh để cùng nàng đón giao thừa âm lịch.

                                                                                                Đào Ngọc Phong

                                                                                    California ngày 1 tháng 2 năm 2024

TƯỞNG NIỆM CA SĨ HÀ THANH

Đầu năm 2014 chúng tôi mhận được tin buồn: Ca Sĩ Hà Thanh đã vĩnh viễn rời Cõi Trần Gian . Tôi ngẩn ngơ như mình vừa mất đi một người trong gia đình, một người mà chắc tôi đã “quen biết” trong tiền kiếp nhưng trong kiếp này, tôi chưa hề bao giờ được gặp mặt, chưa bao giờ nói chuyện hay viết email. Nhưng thực ra, qua chị Liên Như (em gái của ca sĩ Hà Thanh), tôi được biết “chị Hà” vẫn theo dõi những Youtube tôi làm dùm cho chị Hà Thanh và chị Liên Như từ năm 2010 cho đến hết năm 2013, trước khi chị Hà Thanh khuất bóng.

Tôi mải mê làm Youtube cho chị vì nhờ nghe tiếng hát của ca sĩ Hà Thanh mà bản tôi đã qua được rất nhiều lúc buồn phiền .

Ngày hôm qua (Thứ bẩy 4/3/2014), trong lúc dậy kèm các cháu, chúng tôi nẩy ra ý định này: tại sao mình lại không gom hết 28 Youtubes khác nhau do chị LN và chúng tôi đã đưa lên Internet từ năm 2010, sau đó mình làm riêng một Video Youtube mà thôi? Đây là ý kiến của Đại Lãn Đàm Phán vì không có cái kiên nhẫn phải ngồi xuống để mà bấm từng bài một – rất là “hợp gu” cho Đại Lãn mỗi khi nghe nhạc/xem video ở nhà hay trong lúc đi bộ một mình.

Ý kiến này rất hay đối với chúng tôi nhưng gặp nhiều trở ngại lắm: – mất nhiều thì giờ để “download” tất cả 28 youtubes này, – phải làm một Video khổng lồ (5.4 GB), – làm sao mà Youtube “nuốt” được “con mồi” lớn như vậy? Vả lại, trong mấy năm qua, chúng tôi đã thường bị Youtube “cấm cửa” nhiều lần vì vấn đề “quá tải” này. Chúng tôi vẫn không “bỏ cuộc chơi” bằng cách đi kiếm “phương pháp” mới.

Tối hôm qua, khoảng nửa đêm,chúng  tôi “bỏ đại” lên Youtube cái Video mới này vào, sau khi đã “down sized” nó từ 5.4 GB xuống 1.5 GB (vẫn còn “quá tải” đối với Youtube). Tuy nhiên, sau khi chờ 15 phút, YouTube vẫn chưa đuổi chúng tôi ra khỏi cái“cơ ngơi của ngài YouTube” mà còn cho chúng tôi biết “ráng chờ thêm 150 phút nữa”,

Tắt đèn , đi ngủ. Khỏang 3 giờ sáng, tỉnh dậy vì khát nước. Bèn bò vào Internet và YouTube cho biết: “Cơm đã chín rồi, mời Ông vào xơi cơm ạ!”

Trời đất quỷ thần ơi: That’s the best news/”meal” since the New Year!

Tôi ngồi nghe ca sĩ Hà Thanh niệm Nam Mô A Di Đà Phật trong Youtube mới này, bỗng dưng thấy nước mắt chạy quanh rồi chẩy xuống mặt và mũi lúc nào không hay . Lý do: trong nhiều năm, cá nhân chúng tôi đã có cái nỗi buồn day dứt, đơn dộc khiến cho chúng tôi đã ngồi nghe Nhạc Kinh Tây Tạng trong những lúc lái xe đi dậy hoc và trên đường về nhà .Nghệ sĩ Hồng Vân ngâm thơ dùm chúng cho tôi 3 năm về trước. Chúng tôi cảm thông lý do tại sao trong những năm cuối đời, ca sĩ Hà Thanh thường hay hát nhạc Thiền, nhạc Phật Giáo .

Kính mời quý vị vào nghe/xem và quảng bá sâu rộng Youtube Link này đến gia đình, bạn bè dùm:

http://www.youtube.com/watch?v=aOXb5wjU3-0
Hà Thanh trong 28 youtubes của Trần Kiêm Liên Như và Đàm Trung Phán


Và Video “Hà Thanh- Giòng Sông Xanh Kỷ niệm” vừa mới làm xong, sau khi ca sĩ Hà Thanh qua đời:

http://www.youtube.com/watch?v=6eJcI2J1nkM
HÀ THANH-GIÒNG SÔNG XANH KỶ NIỆM

Dưới đây là cái link chỉ chứa nhạc MP3 mà thôi . Mời Quý Vị bấm vào Link này để chỉ  nghe nhạc MP3 (28 bài hát) với tiếng hát của Ca Sĩ Hà Thanh mà chúng tôi đã tách ra từ cái Video Youtube trên kia:

https://www.mediafire.com/#bc88occ7bmd29


Video và Youtube  đầu tiên của chúng tôi thực hiện là “Áo Lụa Vàng” với tiếng hát tuyệt vời của ca sĩ Hà Thanh, hồi tháng 11 năm 2013

Không ngờ, đó là Youtube cuối cùng mà “chị Hà” còn được nghe/xem

Ngày hôm nay, Jan . 21, 2014, tất cả đã là Dĩ Vãng hết. Thì đó cũng chỉ là quy luật chung của tạo hóa mà thôi!

Ngày Jan 17 và 18, 2014, chúng tôi mới tạo dựng được một Youtube mới (theo dạng Standard Definition và High Definition) gồm tòan những bài hát/kinh/thiền Phật Giáo mà chúng  tôi đã gom lại được trong những năm cuối đời của Ca Sĩ Hà Thanh. Cá nhân chúng  tôi, trong những lúc đêm khuya vắng lặng nhất là trong những lúc trời quá lạnh/nghiệt ngã của Bắc Mỹ hay những lần chúng tôi đi bộ tập thể dục trong hành lang của building, chúng tôi thường nghe Youtube này trong cái MP3 player. Thấy đời nhẹ nhàng vô cùng.


Kính mời Quý Vị bấm nút:

http://www.youtube.com/watch?v=q77fEqUz_T4
Hà Thanh hát Nhạc KInh Phật Giáo –dạng HD- Liên Như- Đàm trung Phán

http://www.youtube.com/watch?v=wrUB8DDnKhs
Hà Thanh hát Nhạc KInh Phật Giáo –dạng Standard Defintion- Liên Như- Đàm trung Phán 
]]

Chúng ôi tiếc thương “Chị Hà” nhưng cũng cảm thấy vui cho chị vì chị đã được trở về với Cõi Trời. Cát bụi trần gian, từ nay chị đã rũ sạch. Thân xác tứ đại từ nay không còn làm “Chị Hà” đau buồn nữa . Tiếng hát của Chị sẽ còn nhẹ nhàng, êm dịu mãi mãi theo chị về với Cõi Trời, bên cạnh những người thân thương. C’est la vie!

Thân chúc Quý vị an vui, khỏe mạnh .

Đàm Trung Phán

TORONTO

Jan.14, 2014 / Nov.26, 2023

NEN HUONG CHO ME

NÉN HƯƠNG CHO MẸ

Cớ sao đêm vắng tôi buồn,
Vào phòng, ra bếp, luôn luôn một mình.
Đời tôi nín lặng, làm thinh,
Một mình, một bóng hy sinh cuộc đời.
Người ta nói nói, cười cười,
Riêng tôi chết lặng, chín mười phần đau.
Những ngày thơ ấu qua mau,
Năm mười ba tuổi, biết mầu khăn tang.
Mẹ đi, hoang phế mọi đàng,
Gia đình khóc mẹ bên hàng phi lao.
Mẹ đi, thân bố lao đao,
Con hay gặp mẹ, chiêm bao mộng thường.
Tôi đi tìm kiếm tình thương,
Em đi, Em đến, vô thường đời ai!
Công danh, sự nghiệp còn dài,
Đâu người tri kỷ, có ai chung đường?
Tôi về thắp một nén hương,
Cho cha, cho mẹ, sầu thương tan nhoà.

Nguyễn Ðàm Duy Trung
Tháng 4, 1995

links

Đặc biệt phần diễn ngâm của cô Hồng Vân …..

https://nhacnheo.files.wordpress.com/2011/02/1a-gioi-thieu.mp3

https://nhacnheo.files.wordpress.com/2011/02/1b-bai-bien.mp3


Phần 2



BÀI 16 – PHONG LAN


BÀI 16 –
PHONG LAN

&&&

Mỗi lần Phong Lan nở
Đứng nhìn ngắm lặng im
Thả hồn về Cõi Mộng
Đi tìm kiếm nàng Tiên.

Giữa núi ngàn thác đổ
Tiếng chim hót, vượn kêu
Ngạt ngào mùi nhiệt đới
Hoa lá mọc hoang đường.

Chót vót đỉnh ngọn cây
Phong Lan lay theo gió:
Hoàng Hậu Cattleya.
Nàng khoe mầu yếm thắm
Kiêu kỳ nơi gió sương,
Ban ngày, chàng ong lượn
Đu đưa nhịp vấn vương.
Chàng vào cung nàng hưởng
Nàng trao chàng nhụy hương.

Rồi văn minh tràn đến
Nhiều rừng rậm thưa đi.
Nàng Phong Lan khuất dạng
Còn đâu Ong, Phấn, Hương!

Nguyễn Đàm Duy Trung
December 1994

BÀI 15 – ÁO TRẮNG HỌC TRÒ

BÀI 15 –
ÁO TRẮNG HỌC TRÒ

&&&

Ta tìm áo trắng học trò,
Ðời bắt ta mất, bây giờ hiện lên.
Nhìn ai, ta thấy quen quen,
Mờ mờ nhân ảnh như men cuộc đời.

Phải chăng là mệnh của Trời,
Chao ơi! Áo trắng của thời nữ sinh!
Ai ơi, ta đang một mình,
Vẫn đi tìm kiếm bóng hình ngày xưa!

Cớ sao trời đổ cơn mưa,
Ðưa ta vào mộng, đong đưa cuộc đời.
Bắc thang lên hỏi ông Trời,
Ðâu mộng, đâu thật, hỡi đời trần gian?

Văn Khoa
Nửa đêm về sáng
April 8, 2007

BÀI 14 – MỪNG SINH NHẬT 70 CỦA ĐÀM TRUNG PHÁN

BÀI 14 –
MỪNG SINH NHẬT 70 CỦA ĐÀM TRUNG PHÁN

&&&

Ngày Lao Động: Phán chào đời
Mừng người Lao Động muôn đời vinh quang
Mừng Đàm sinh nhật an-khang
Trăm năm trăm tuổi, bạn vàng có nhau
Phán-Nga chung một nhịp cầu
Mỗi năm sinh nhật thêm sâu ân tình
Chào đời lẻ bạn một mình
Cuối đời hiện thực mối tình yêu thương
Trái tim bừng cháy tình trường
Cùng Nga sánh bước con đường thăng hoạ

Lê Kim Ngân
May 1, 2012
Toronto

BÀI 13 – DÙ CHO THOÁT XÁC, MÃI CÒN YÊU THƯƠNG

Love constant beyond Death

&&&

The final shadow that will close my eyes.
will in its darkness take me from white day,
and instantly untie the soul from lies
and flattery of death, and find its way,
and yet my soul won’t leave its memory
of love there on the shore where it has burned:
my flame can swim cold water
and has learned to lose respect for laws’ severity.
My soul, whom a God made his prison of,
my veins, which a liquid humor fed to fire,
my marrows, which have gloriously flamed,
will leave their body, never their desire;
they will be ash but ash in feeling framed;
they will be dust but will be dust in love.
F. De Quevedo

BÀI 13 –
DÙ CHO THOÁT XÁC,
MÃI CÒN YÊU THƯƠNG

Bóng tối đã khép làn mi,
Liệu chăng đã lấy mất đi bóng ngàỵ
Rút hồn khỏi dối gian ngay,
Phỉnh nịnh cõi chết, lối này ta đi.
Ra đi, hồn nhớ những gì,
Tình yêu bãi biển, thân thì đốt tan.
Lửa ta bơi, nước lạnh ran,
Không thèm chấp nữa, thế gian luật rừng.

Hồn ta, Thượng Ðế giam bưng,
Máu trong huyết quản cháy bừng lửa thiêng.
Tủy xương ngạo nghễ cháy điên,
Ta đây lìa bỏ chỉ riêng tình mình.
Thịt da thành bụi, bụi tình,
Trở thành tro bụi, tro tình, tro yêụ.

Đàm Trung Phán chuyển ngữ “Love constant beyond Death” của F. De Quevedo

July 28, 2006

BÀI 12 – TỈNH SAY, SAY TỈNH

BÀI 12 –
TỈNH SAY, SAY TỈNH

&&&

Cuộc đời khi tỉnh, khi say,
Tỉnh ra, ta biết là ngày, là đêm.
Khi đời ta đang say mềm,
Ta trong hư ảo ban đêm, ban ngày.

Thế nào là tỉnh là say?
Ta chẳng cần biết là ngày là đêm.
Muốn cho có chỗ tựa êm,
Hồn ta, ta chẳng buộc đêm với ngày.

Đời ta, ta nở nụ cười,
Tỉnh say, say tỉnh, mỉm cười, ta đi!

Vô Không
November 2004

BÀI 11 – THU CẢM 2000

BÀI 11 –
THU CẢM 2000

&&&

Muà thu
Âm u.
Lá vàng
Rớt rụng.
Gió thu
Lạnh lùng.
Chợt thấy
Mông lung.

Lá bay
Ngập trời!
Còn đâu
Hoa nở.
Mùa hè
Qua rồi!
Mùa đông
Sắp tới:
Tuyết rơi
Lạnh buồn.

Còn đâu
Hướng dương
Nở rộ
Ngoài vườn.
Còn đâu
Ong bướm.
Hồn sao
Vấn vương!

Lòng buồn
Vời vợi
Nhìn lá
Thu rơi
Cuộc đời
Chuyển hướng
Vào đường
Xa lạ.
Giống như
Chiếc lá
Rơi rụng
Cuối mùa?

Thời gian:
“Ngừng lại!”
Thu ơi
Cho hỏi:
“Cớ sao
Chi lạ
Mùa thu
Rụng lá
Quyến rũ
Hồn ta?”

Nguyễn Đàm Duy Trung
Tháng Mười, 2000
Toronto, Canada

BÀI 10 – CHIẾN ĐỊA FLANDERS

IN FLANDERS FIELD

&&&

In Flanders Fields the poppies blow
Between the crosses, row on row
That mark our place; and in the sky
The larks, still bravely sing, fly
Scarce heard amid the guns below.

We are the Dead. Short days ago
We lived, felt dawn, saw sunset glow
Loved, and were loved, and now we lie
In Flanders Fields .

Take up our quarrel with the foe :
To you from failing hands we throw
The torch; be yours to hold it high .
If you break faith with us who die
We shall not sleep, though poppies grow
In Flanders Fields.

John McCrae
May, 1915

BÀI 10 –

CHIẾN ĐỊA FLANDERS

Hoa bay đồng cỏ Flanders,
Giữa hàng thập tự, bao bờ hàng bia.
Nơi đây chiến địa chia lìa,
Sơn ca bay, hót trên kia chẳng ngừng.
Tiếng chim súng át nổ tung,
Trên không chim lượn, súng ầm đồng hoang.

Chúng tôi mới chết đây thôi,
Cõi dương đã thấy sớm mơi, bóng chiều.
Đã từng biết được tình yêu,
Giờ trong lòng đất, sớm chiều, Flanders.

Thay tôi đấu với quân thù:
Hãy cầm ngọn đuốc ngàn thu trao đời!
Cầm cao cho đuốc khỏi rơi,
Nếu làm không được, hổ đời chúng tôi:
Mặc cho hoa nở trên đời,
Chết không nhắm mắt ở nơi đồng này!

Ðàm Trung Phán chuyển ngữ
bài thơ “In Flanders Field”
Kỷ niệm ngày Chiến Sĩ Trận Vong,
Canada
November 2000

BÀI 9 – DUYÊN PHẬN

BÀI 9 –
DUYÊN PHẬN

&&&

Nhớ khi xưa
Khi gió thu về
Bố gả chồng cho con
Đầy con về bên ấy
Đời con tăm tối từ đây
Chim sa vào lưới, biết ngày nào ra!

Ở với chồng
Anh hiền như bụt
Gia đình bên anh chẳng chút từ tâm.
Tình vợ chồng trống vắng
Có nghĩa mà chẳng có tình!
Mấy ai hiểu được lòng mình
Ngẫm ra mới thấy
Thương mình, thương con!

Thoát ra khỏi lưới
Em gặp anh
Đôi ta se duyên mới.
Có khi buồn, có lúc vui
Nhưng Em cảm thấy được tình.
Chỉ mong Anh hiểu lòng mình
Thương nhau đến cuối cuộc tình,
… Mình ơi!

Mù Sương
Toronto
November 2002

BÀI 8 – ĐÊM NAY

BÀI 8 –
ĐÊM NAY

&&&

Ngày cưới gặp lại gia đình,
Dâu-Rể như được tái sinh cuộc đời.
Đàm-Dương hai họ tươi cười,
Nga-Phán vui sướng đón mời đôi bên.
Mọi người như tấm chăn mềm,
Đắp cho nhau những êm đềm thân thương.
Đâu còn xa cách trùng dương,
Đêm nay hội tụ mười phương ta về.
Gặp nhau ngỡ tưởng cơn mê,
Gia đình, huynh đệ mọi bề êm vui.
Tôi nghe tâm thức sụt sùi,
Xin nâng ly rượu, chung vui đêm này!

Đàm Trung Phán
Dương Bích Nga
Đêm Văn Nghệ Cưới
22 tháng 7, 2000
Toronto, Canada

BÀI 7 – EM

BÀI 7 –
EM

&&&

Trăm năm duyên kiếp,
Ta đi, luân hồi.

Thương tặng Bích Nga

Em mang lại bầu trời
Đầy trăng, gió và mây.
Em từ đâu tới đây?
Trao tôi niềm vui này.
Cho hồn tôi thức dậy
Cơn đau buồn chua cay.
Em mang lại tiếng cười
Làm chăn đắp cho tôi
Những đêm dài đơn độc.
Em giúp tôi biết khóc
Cho vơi nỗi ưu phiền.
Em đem theo mầu nhiệm:
Ánh mắt với nụ cười
Tia nắng xuân buổi sáng
Niềm hạnh phúc thần tiên.
Bên em tôi vĩnh biệt
Quãng đời buồn triền miên.

Nguyễn Đàm Duy Trung
Tháng 12, 1998

BÀI 6 – ÐỨC MẸ MARIA

BÀI 6 –
ÐỨC MẸ MARIA

&&&

Tìm đến giáo đường
Buổi sáng tinh sương
Lòng con vấn vương
Cuộc đời vô thường
Con, người ngoại đạo,
Xin vào thánh đường.

Con quỳ lạy Mẹ
Xin Mẹ che chở
Mở rộng tình thương

Cho con bình thường
Tâm hồn, thể xác.
Điều thiện, điều ác
Con muốn tĩnh tâm.
Con sống âm thầm
Cầu xin Đức Mẹ
Ban phước cho con.
Đời con héo hon
Thương nhớ đàn con
Ngày đêm xa vắng
Sao đời cay đắng
Mất mẹ, mất cha!

Con khác người ta?
Sống đời cô quạnh
Mùa Hè, mùa lạnh
Chỉ thấy mình con!
Người khác vuông tròn
Sao con đơn lẻ?
Nguyện cầu xin Mẹ
Đức Mẹ nhiệm mầu
Xin hết thương đau!
Cho những ngày sau
Chỉ thấy bình an
Cho những gian nan
Trở thành tro bụi.

Mẹ ơi, Mẹ biết?
Con đang khóc đây
Con quỳ lậy Mẹ:
Đức Mẹ Maria!

Nguyễn Đàm Duy Trung
May 1997

BÀI 5 – NGỌC NỮ

BÀI 5 –
NGỌC NỮ

&&&

Mùa Thu đến với lá vàng lá đỏ
Tâm hồn anh theo gió gọi Em về.

Đêm khuya thao thức một mình,
Bỗng từ tiềm thức bóng hình hiện lên.
Em như Ngọc Nữ diện tiền,
Hiền như Phật Mẫu, nàng Tiên giáng trần!
Ngắm Em, tôi thấy xa gần,
Dường như kiếp trước: Em phần đời tôi?
Kiếp này duyên phận đơn côi,
Gặp nhau trong mộng, cho vơi cơn sầu!

Nguyễn Đàm Duy Trung
Toronto, Canada
Halloween 1995

BÀI 4 – MƯA HÈ

BÀI 4 –
MƯA HÈ

&&&

Trời bỗng nhiên vần vũ
Mây đen kín phương đông
Những giọt mưa rơi xuống
Làm mát dịu không gian.

Thành phố trong ướt nhòa
Xe hơi đi chậm lại
Hàng cây cong theo gió
Đường nhựa bóng như gương.

Trên ban công cao ốc
Đứng nhìn những giọt mưa

Hồn tôi bay lìa xác
Tắm hè giữa làn mưa.

Mưa ơi, xin rơi xuống
Cho công viên thêm xanh
Cây cỏ mọc thêm cành

Cho tôi thêm mầu xanh
Giã từ mầu tang tóc
Cho lòng tôi dịu êm
Cho xác hồn là một
Mưa ơi, xin cứ rơi!

Nguyễn Ðàm Duy Trung
Tháng Bẩy 1994

BÀI 3 – CÕI MỘNG

BÀI 3 –
CÕI MỘNG

&&&

Mệt mỏi đến với ta
Những ngày tháng trôi qua
Tôi như người nô lệ
Tìm bận rộn liên miên
Để quên hết ưu phiền.

Ban đêm Em làm chi?
Tôi ngồi chấm bài thi
Nhạc Đức Huy dìu dịu
Ru hồn vào mộng mơ.

Hoa nở trên hoang đảo
Ngoài khơi sóng rạt rào
Gió đùa hàng phi lao
Tôi cùng Em đi dạo.
Mắt Em như vì sao
Tôi là người lữ khách
Tách rời cõi trần gian
Chu du trong vũ trụ
Bên Em với trăng sao.

Văn Khoa
November 1993

BÀI 2 – CHUYẾN BAY ĐÊM

BÀI 2
CHUYẾN BAY ĐÊM

&&&

Bầu trời xanh, xanh biếc
Ta ngồi trong máy bay
Nhìn qua khung cửa sổ
Bạt ngàn gió với mây.

Những vì sao lấp lánh
Đưa ta vào vũ trụ.
Cuộc đời phù du:
Tình yêu trong ánh nắng
Tìm nhau dưới bóng trăng.

Trăng ơi cho hỏi chị Hằng:
“Nơi xa xôi đó
Lòng mong mỏi lòng?”
Phi cơ đem đến chờ mong
Bay đi biền biệt …
Ai lòng buồn ai?

Nguyễn Ðàm Duy Trung
July 1991

BÀI 1. CHIÊM BAO, TỈNH THỨC?


BÀI 1.
CHIÊM BAO, TỈNH THỨC?

&&&

Đêm khuya nghe tiếng tụng kinh,
Trong cơn tỉnh thức, hay mình chiêm bao?
Hồn ai đi tự thuở nào,
Đi ra vũ trụ hay vào tình yêu?
Sớm mai, buổi tối, ban chiều,
Xin cho quên hết những điều đau thương.
Trời sinh ra những tơ vương,
Đi vào tềm thức, dễ thường ai quên?
Cầu cho đời được bình yên,
Hồn trong Kinh Phật, Cõi Tiên là mình!

Nguyễn Đàm Duy Trung
November 1991